Trang Thông tin điện tử

xã Kim Mỹ - Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 23/12/2024
Chào mừng bạn đến Trang thông tin điện tử UBND xã Kim Mỹ

Đề cương tuyền truyền luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (hiv/aids)

Thứ ba, 01/12/2020

Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dích mắc phải ở người (HIV/AIDS) được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, Luật này có 6 Chương, 50 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Luật này quy định các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV và các điều kiện bảo đảm thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

- AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Acquired Immune Deficiency Syndrome" là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.

- Nhiễm trùng cơ hội là nhiễm trùng xảy ra do cơ thể bị suy giảm miễn dịch vì bị nhiễm HIV.

3. Các giai đoạn và con đường lây truyền và không lây truyền HIV

            3.1Giai đoạn: Có  04 giai đoạn nhiễm HIV

-  Giai Đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ) thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng ,cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong GĐ này dễ lây bệnh cho người khác nếu quan hệ tình dục không an toàn).

- Giai Đoạn nhiễm HIV không triệu chứngThời gian từ 5 đến 7 năm cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm (+) dương tính.

- Giai Đoạn cận AIDS: Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm (+) dương tính.

- Giai Đoạn AIDS: có các triệu chứng sau:

            + Gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể ).

            + Sốt, ỉa chảy, ho kéo dài trên 1 tháng.

            + Xuất hiện nhiều bệnh như : ưng thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân.

            + Người bệnh nhanh chóng tử vong tùy theo điều kiện chăm sóc và điều trị (nhiều nhất là 2 năm.)

3.2. Đường lây nhiễm: Có 3 con đường lây truyền HIV:

- Tình dục:

Virus HIV có rất nhiều trong chất dịch sinh dục của người bị nhiễm. Do vậy, virus HIV có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục đều có khả năng lây nhiễm.

-          Đường máu:

HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Do vậy việc dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, truyền máu của người nhiễm  HIV đều làm cho bị lây nhiễm HIV.

- Từ mẹ sang con:

Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. HIV có thể lây từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi  mẹ cho con bú.

3.3. HIV Không lây truyền qua đường:

-  Muỗi đốt:

Khi đốt, muỗi đốt vào cơ thể bạn một it nước bọt nhưng vì HIV không sống được trong cơ thể muỗi nên nước bọt này không chứa HIV. Vòi muỗi cũng không cho phép máu của người đốt trước dính với máu của người đốt sau. Muỗi hoàn toàn vô can trong sự lây nhiễm HIV.

-          Hôn:

Hôn nhìn chung không lây nhiễm HIV vì HIV trong nước bọt vô cùng ít, chỉ có thể lây nhiễm khi hai người bị loét xước trong miệng hay chảy máu răng mà hôn nhau.

-          Tiếp xúc thông thường:

Tất cả những tiếp xúc thông thường như ăn uống, bắt tay, ôm, ở cùng nhà, làm cùng cơ quan, tắm chung bể bơi,......với người nhiễm HIV không làm lây truyền HIV.

 

4. Nguyên tắc phòng, chống HIV/AIDS

- Kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi là biện pháp chủ yếu.

- Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Kết hợp chặt chẽ phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống ma tuý, mại dâm, chú trọng triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.

- Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ; tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

 5. Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV

5.1. Người nhiễm HIV có các quyền sau đây:

a) Sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

b) Được điều trị và chăm sóc sức khoẻ;

c) Học văn hoá, học nghề, làm việc;

d) Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS;

đ) Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối;

e) Các quyền khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5.2. Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác;

b) Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết;

c) Thực hiện các quy định về điều trị bằng thuốc kháng HIV;

d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Gia đình và cộng đồng cần hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS có trách nhiệm phòng, tránh gây lây nhiễm HIV/AIDS cho gia đình và cộng đồng. 

Phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, của từng gia đình và mỗi cá nhân.

Hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng động cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết, được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay./.

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 99995

Trực tuyến: 67

Hôm nay: 168