Trang Thông tin điện tử

xã Kim Mỹ - Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 20/05/2024
Chào mừng bạn đến Trang thông tin điện tử UBND xã Kim Mỹ

ĐỀ CƯƠNG tuyên truyền kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng (16/10/1948 -16/10/2021)

Thứ năm, 14/10/2021

I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH KIỂM TRA CỦA ĐẢNG

Ngay từ  những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết được nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong đảng. Do đó công tác kiểm tra của đảng đã được Trung ương đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi và thành lập bộ máy kiểm tra chuyên trách. Nhiệm vụ này do các cấp uỷ và các tổ chức đảng thực hiện.

Công tác kiểm tra đã góp phần vào thắng lợi của cách mạng qua các thời kỳ. Cuối năm 1948, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng, quy mô và tổ chức hoạt động của Đảng, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng được chính thức thành lập, từng bước phát triển, ngày càng được kiện toàn và lớn mạnh. Ngày 16/10/1948 tại An toàn Khu Định Hóa - Thái Nguyên Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I) ban hành  quyết nghị số 29/QN/TW (do Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh - tức Thận ký) thành lập Ban kiểm tra Trung ương và ngày 16/10 hàng năm chính thức trở thành ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm 03 Đồng chí là: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (tức Hà Minh Quốc), do Đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Dưới ban Kiểm tra TW là các phái viên có nhiệm vụ “đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không? đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để tiếp thu kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng”.

Nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951 – 1960), điều lệ Đảng quy định “Ban chấp hành Trung ương, các xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ), thành uỷ, tỉnh uỷ cử ra một số uỷ viên lập thành Ban kiểm tra của cấp mình. Tháng 3 năm 1951, Ban chấp hành Trung ương cử ra Ban kiểm tra Trung ương gồm các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Chánh và do đồng chí Hồ Tùng Mậu làm trưởng ban. Trung ương có nghị quyết: “Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”; Do Đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Trưởng ban kiểm tra Đảng kiêm Tổng thanh tra Chính phủ. Đến ngày 25/4/1956, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh số 263/SL cử Đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng thanh tra Chính phủ. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 10, khoá II (tháng 3 năm 1957) quyết nghị kiện toàn Ban kiểm tra Trung ương gồm các Đồng chí; Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, do Đồng chí Nguyễn Lương Bằng  làm Trưởng ban. Tháng 4 năm 1957, Ban bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 16/CTTW quy định: “Về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật  ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các Đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp uỷ và Uỷ ban hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, ngành Kiểm tra của Đảng và Thanh tra của chính quyền được tách riêng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960 – 1976); Ban chấp hành Trung ương đã bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 Đồng chí, do Đồng chí Nguyễn Lương Bằng Uỷ viên Trung ương Đảng làm Trưởng Ban. Sau đó Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị (khóa III) đã chỉ định bổ sung 6 đồng chí. Đây là nhiệm kỳ được bầu số thành viên UBKT TW đông nhất trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc từ khi được thành lập. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976 – 1982), Ban chấp hành Trung ương đã bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 10 Đồng chí do Đồng chí Song Hào, Bí thư Trung ương Đảng được bầu làm Trưởng ban.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982 – 1986) Ban chấp hành Trung ương bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 10 Đồng chí, do Đồng chí Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986 – 1991) Ban chấp hành Trung ương bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 đồng chí, do đồng chí Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991 – 1996) Ban chấp hành Trung ương bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 9 Đồng chí, do Đồng chí Đỗ Quang Thắng, Bí thư Trung ương Đảng (sau đó được bầu là Uỷ viên Bộ Chính trị) làm Chủ nhiệm.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996 – 2000), Ban chấp hành Trung ương bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 Đồng chí, do Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Uỷ viên Bộ Chính trị làm Chủ nhiệm.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ (2000 – 2005) Ban chấp hành Trung ương bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 9 Đồng chí, do Đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng làm Chủ nhiệm. Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá IX (tháng 1/2003) Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ được bầu vào Ban Bí thư và được bầu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thay đồng chí Lê Hồng Anh đảm nhiệm công tác khác, và bầu bổ sung 5 đồng chí thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006), Ban Chấp hành Trung ương bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 14 thành viên do Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm. Sau bầu cử Quốc hội khoá XII (tháng 7 năm 2007), đồng chí Nguyễn Thị Doan và đồng chí Trần Văn Truyền Phó chủ nhiệm được phân công nhiệm vụ mới nên tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X bầu bổ sung 03 đồng chí thành viên UBKT TW.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1/2011), Ban Chấp hành Trung ương bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 thành viên do Đồng chí Ngô Văn Dụ, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm.  

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (tháng 1/2016), Ban Chấp hành Trung ương bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 thành viên do Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm; đến tháng 5/2018 Đồng chí Trần Quốc Vượng chuyển công tác, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương giữ chức Chủ nhiệm UBKT Trung ương khóa XII.

Trải qua 73 năm phát triển và trưởng thành, Ngành Kiểm tra Đảng luôn luôn ý thức được rằng: Công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, thường xuyên lấy đó là mục tiêu để xây dựng phương hướng, chương trình hành động của mình. Mặc dù có nhiều khó khăn về lực lượng, năng lực, đội ngũ cũng như điều kiện hoạt động, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, Ngành Kiểm tra đã từng bước trưởng thành. Trong mọi thời kỳ cách mạng kể cả những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, liên tục, bền bỉ phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thường xuyên tham mưu và thực hiện có kết quả các nhiệm vụ do cấp uỷ giao, trong đó đã tham gia và tích cực phục vụ cấp uỷ thực hiện nhiều cuộc kiểm tra thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng … Ngoài ra còn phục vụ cấp uỷ kiểm tra về sửa sai trong chỉnh đốn tổ chức Đảng, kiểm tra việc kết nạp Đảng viên và phát thẻ Đảng viên, kiểm tra việc lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tích cực giải quyết, củng cố những tổ chức đảng yếu kém, mất đoàn kết, các điểm nóng ở cơ sở và giúp cấp uỷ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra của cấp uỷ theo điều 30 Điều lệ Đảng,… Có thể nói những công việc mà Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng như phục vụ cấp uỷ đã luôn thể hiện được tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động công tác kiểm tra  là “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả” với phương châm xử lý “Công minh, chính xác, kịp thời”, vừa có tác dụng góp phần tích cực vào việc giữ gìn kỷ luật của Đảng, làm trong sạch đội ngũ Đảng viên, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, vừa nâng cao nhận thức trách nhiệm của tổ chức Đảng và Đảng viên về công tác kiểm tra của Đảng nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung.

Văn bản mới
Xem thêm
Video
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 79614

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 58