Trang Thông tin điện tử

xã Kim Mỹ - Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 23/12/2024
Chào mừng bạn đến Trang thông tin điện tử UBND xã Kim Mỹ

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA TẾT TRUNG THU

Chủ nhật, 19/09/2021

1. Nguồn gốc Tết Trung Thu

Tết Trung Thu được coi là 1 ngày lễ lớn, cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Có nhiều tích truyện kể về nguồn gốc ngày Tết này như chuyện nhà vua dạo chơi cung trăng ngày rằm tháng 8, sự tích Hậu Nghệ – Hằng Nga, sự tích chú cuội cung trăng…

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng đây là ngày lễ tết lớn trong dân gian. Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã từng phát hiện ra hình ảnh người dân đón Tết trông trăng lần đầu tiên được in khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Từ đời nhà Lý đã có ghi chép ở văn bia chùa Đọi năm 1121 về những hoạt động giải trí dân gian trong ngày Tết Trung Thu. Theo đó, kinh thành Thăng Long rộn ràng với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn náo nhiệt. Thời Lê – Trịnh, trong phủ Chúa cũng tổ chức Tết Trung Thu cực kì xa hoa.

Tết Trung Thu, cũng như cái tên của nó, được tổ chức vào mùa Thu, ngày 15 tháng 8 âm lịch, hay còn gọi là Rằm tháng Tám. Lúc này tiết trời mát mẻ, công việc mùa màng đã xong, chỉ còn chờ đợi mùa thu hoạch.

Vào ngày này, nhà nào cũng sẽ có mâm cỗ để cúng gia tiên, ngoài ra còn có mâm cỗ để trẻ con phá cỗ trông trăng nữa.

2. Ý nghĩa Tết Trung Thu trong văn hóa Việt

Thuở sơ khai, Tết Trung thu được coi là tết của người lớn, là dịp để mọi người thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên khi trời vào thu, uống trà ăn bánh, ngắm ánh trăng rằm tròn vành vạch trên đầu.

Nhưng theo thời gian, ngày lễ này dần trở thành ngày Tết của trẻ em, ý nghĩa của Tết trung thu cũng có vài phần thay đổi. Không chỉ đơn giản là ngày lễ cảm nhận khí sắc mùa Thu mà nó đã trở thành ngày lễ để hiếu kính ông bà cha mẹ, để trẻ em hiểu được tấm lòng của đấng sinh thành, cũng là ngày Tết đoàn viên khi cả gia đình quây quần bên nhau vui vẻ.

Theo phong tục người Việt, trong nhà có trẻ con thì ông bà, bố mẹ sẽ mua hoặc làm cho các bé những chiếc lồng đèn thắp bằng nến, vừa để treo trong nhà, vừa để đến tối hôm rằm thì cho các bé cùng nhau đi rước đèn dưới ánh trăng.

Trước đó, người lớn sẽ mua bánh trung thu để dâng cúng tổ tiên, cũng là để biếu tặng ông bà, cha mẹ, anh chị em thân thiết, bày tỏ lòng quan tâm đến những người ruột thịt, thân thiết với mình. Tình cảm gia đình nhờ thế càng thêm thân thiết.

Theo lời các cụ xưa kể lại, vào ngày rằm tháng tám, trai gái trong làng còn cùng nhau hát điệu Trống quân. Thực ra điệu hát này hay được diễn xướng trong những đêm trăng rằm trời sáng, nhưng vào tiết trời mùa Thu của Tết Trung Thu thì càng thêm thích hợp.

Chẳng những để vui chơi giải trí mà đây còn là hình thức để trai gái tìm hiểu nhau trước hôn nhân. Người ta qua tiếng hát để tìm người trăm năm phối ngẫu, dùng những ca từ uyển chuyển để chinh phục trái tim.

Nhưng có lẽ, người vui nhất trong rằm Trung Thu không ai khác chính là các em nhỏ. Dù người lớn có nói ý nghĩa Tết Trung Thu như thế nào thì với trẻ nhỏ, đó chính là ngày hội được ăn bánh kẹo, hoa quả thỏa thuê, lại được chơi đùa thỏa thích khi đêm xuống mà không sợ bị ai trách mắng.

Dù còn bé, nhưng chắc các em ai cũng hiểu rằng phải được ông bà, cha mẹ và mọi người yêu thương thế nào mới có những ngày vui như thế. Các em cũng nhờ những dịp này mà quen biết, thân thiết với nhau hơn.

Ngày thu vốn bình yên nay náo nức vì có Tết Trung Thu. Đây là phong tục cổ truyền với nhiều nét ý nghĩa rất riêng trong văn hóa Việt, thể hiện tình yêu thương, sự biết ơn, lòng báo hiếu của mọi người, cũng là ngày lễ mà tình cảm lan tỏa khắp nơi nơi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch covid-19 nên UBND xã yêu cầu Tết Trung Thu không tổ chuc cắm trại, không giao lưu văn nghệ thể thao, chỉ thành lập đoàn đến tặng quà cho các cháu thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn toàn xã.

Bài liên quan
Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 100194

Trực tuyến: 75

Hôm nay: 367