Trang Thông tin điện tử

xã Kim Mỹ - Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 08/05/2024
Chào mừng bạn đến Trang thông tin điện tử UBND xã Kim Mỹ

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ xã Kim Mỹ (04/01/1957-04/01/2022)

Chủ nhật, 02/01/2022

Kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng bộ xã hôm nay, chúng ta tưởng nhớ và vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; chúng ta tưởng nhớ tới nhà Doanh điền sứ-Tướng công Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu, nguyên, thứ mộ đã có công khai hoang thành lập huyện Kim Sơn, tạo tiền đề để khai hoang, lập ấp hình thành nên xã Kim Mỹ ngày nay; tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, trong đó có những người con của Kim Mỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; ghi nhận và trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã qua các thời kỳ, cùng các thế hệ người dân Kim Mỹ luôn phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, đã tạo ra những thành quả to lớn như ngày hôm nay, làm cho đất và người Kim Mỹ  càng thêm gắn bó, tình người thêm trong sáng, thuỷ chung.

Quá trình hình thành và phát triển của xã Kim Mỹ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của huyện Kim Sơn.

Vào đầu thế kỷ XIX, phía Nam đê Hồng Đức thuộc xã Khánh Nhạc huyện Yên Khánh hiện nay là bãi biển mênh mông đầy lau sậy và sú vẹt. Tháng 2 năm Kỷ Sửu (1829), nhà Doanh điền sứ Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ được sự hỗ trợ của nhà nước phong kiến đã tiến hành công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển trù phú này. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã chiêu tập được 1.260 dân đinh hầu hết từ Nam Định sang, một phần ở Yên Mô, Yên Khánh xuống. Với công cụ lao động hết sức thô sơ, bằng mồ hôi và sức lực con người là chủ yếu nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Công Trứ, vào cuối năm 1829, huyện Kim Sơn nghĩa là Núi vàng được thành lập, gồm 7 tổng (Chất Thành, Hồi Thuần, Quy Hậu, Hướng Đạo, Tự Tân, Tuy Lộc, Lai Thành) với 14.600 mẫu ruộng và 60 lý, ấp, trại, giáp.

Huyện Kim Sơn được thành lập, nhưng cho tới cuối thế kỷ XIX trên vùng đất Kim Mỹ ngày nay gồm Tân Mỹ, Tân Khẩn và Nam Hải, vẫn còn là một vùng bãi bồi mênh mông, hoang sơ và ngập mặn, chỉ có sú, vẹt, lau sậy. Thủa ấy, dân các địa phương như Văn Hải, Tuy Định, Hoá Lộc, Lưu Phương, Thượng Kiệm gọi nơi đây là “cửa biển” và họ thường xuyên lui tới chài lưới bắt cá, bắt cua hay giăng lưới bắt mòng két, chim trời. Khi nước thuỷ triều dâng lên, thì toàn vùng ngập lụt mênh mông trong sóng nước. Nhưng khi nước rút xuống chỉ còn trơ lại những bãi đất phù sa lầy thụt.

Công cuộc khẩn hoang lập ấp ở Kim Mỹ được tiến hành dưới hai hình thức. Tại Tân Mỹ, được sự bảo trợ của Toà Giám mục Phát Diệm, ông Phạm Nguyên Giới còn gọi là Tú Khởi người làng Trì Chính đã đứng ra chiêu dân các nơi đến khai hoang lập ấp.

Cùng thời gian ông Phạm Nguyên Giới tổ chức chiêu dân khai hoang lập ấp Tân Mỹ, thì ấp Phát Diệm và ấp Văn Hải cũng tiến hành đưa một số người đến Tân Khẩn và Nam Hải khai hoang. Ở Nam Hải có cụ Hai Lược và cụ Viễng là những người đầu tiên đến khai hoang. Như vậy, ở Kim Mỹ, mặc dù công cuộc khai hoang diễn ra dưới các hình thức khác nhau, nhưng vào những năm cuối thế kỷ XIX, ở các khu vực Tân Mỹ, Tân Khẩn và Nam Hải đều đã tổ chức khai hoang lập ấp. Tổng số ba khu vực có 67 xuất đinh tham gia khai hoang lấn biển. Ruộng đất khai hoang được là 1.003 mẫu 7 sào. Cùng với quá trình khai hoang, các thôn xóm dần dần hình thành. Ban đầu mỗi xóm chỉ có từ 7- 10 gia đình. Các xóm ra đời đầu tiên là xóm Mỹ Chính, Mỹ Hoá (Tân Mỹ) xóm 2, xóm 3 (Tân Khẩn), xóm Phụ Cấp (Nam  Hải).

Trong quá trình tồn tại và phát triển hơn một thế kỉ qua, Kim Mỹ đã trải qua nhiều biến thiên, thay đổi từ tên gọi tới diện tích.

Ấp Tân Mỹ ra đời và tồn tại cho tới cách mạng Tháng 8/1945. Thời kỳ này Tân  Mỹ là một đơn vị hành chính độc lập, có tổ chức quản lý làng xã, thuộc tổng Tự Tân huyện Kim Sơn.Năm 1946 huyện Kim Sơn tiến hành điều chỉnh lại các đơn vị hành chính, thành lập các xã mới. Theo đó, ba ấp Như Tân, Tân Mỹ và vùng đất mới Cồn Thoi sát nhập thành một xã có tên gọi là xã Tô Hiệu do Ủy ban hành chính kháng chiến quản lý.

Năm 1956, huyện Kim Sơn tổ chức lại các đơn vị hành chính cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Lúc này xã Tô Hiệu tách thành 3 xã: Kim Tân, Kim Mỹ và Tô Hiệu. xã Kim Mỹ gồm 2 thôn Tân Mỹ và Tân Khẩn. Tháng 12 năm 1978, Chính phủ cho phép sát nhập Hợp tác xã Nam Hải thuộc xã Văn Hải về xã Kim Mỹ. Từ đây, diện tích của Kim Mỹ ổn định cho đến ngày nay.

Ra đời vào lúc thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ lên đất nước ta. Do đó cũng như nhân dân trong huyện, người dân Tân Mỹ bị bóc lột hết sức nặng nề. Nhân dân phải sống cảnh lầm than, một cổ hai tròng. Tại Kim Sơn nói chung, Tân Mỹ nói riêng thực dân Pháp có cả một hệ thống cai trị khắc nghiệt, vừa đàn áp vừa lừa bịp nhân dân. Chúng dùng chính sách "chia đề trị", tăng thuế, tô tức, phu phen tạp dịch, tăng các hủ tục, lệ làng, cầm cố, cho vay nặng lãi... đời sống người dân rơi vào cảnh cùng quẫn trước sự bóc lột của bọn địa chủ, cường hào, ác bá.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với phong trào nổi dậy giành chính quyền ở các địa phương, ngày 21/8/1945 nhân dân Kim Sơn trong đó có nhân dân Tân Mỹ đã đứng lên lật đổ chính quyền thực dân và tay sai phản động, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân Kim Mỹ cùng nhân dân cả nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Năm 1946, huyện Kim Sơn đổi tên các đơn vị hành chính, xóa bỏ tên tổng, thành lập tiểu khu và các xã. Ấp Như Tân cùng Ấp Tân Mỹ và vùng đất mới Cồn Thoi hợp nhất thành 1 xã với tên gọi xã Tô Hiệu.

Kim Mỹ nói riêng, xã Tô Hiệu nói chung là một địa bàn có tình hình chính trị hết sức phức tạp. Ngay sau cách mạng tháng 8-1945, Tổng bộ Việt Minh tỉnh Ninh Bình và huyện Kim Sơn đã cử đồng chí Thanh Đạm, Nguyễn Văn Đáo (tức Tuyên), Nguyễn Văn Thạnh, Nguyễn Văn Mão về xây dựng phong trào trên địa bàn các xã Như Tân, Tân Mỹ, Văn Hải. Tiếp đó đồng chí đồng chí Nguyễn Văn Tập, Hoàng Ngọc Xuân, Nguyễn Văn Hồ, cũng được cử về hoạt động tại khu vực Như Tân và Tân Mỹ. Sau thời gian hoạt động, phong trào cách mạng tại Tô Hiệu đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đã xây dựng được một số gia đình cơ sở, vận động quần chúng, nhất là một số thanh niên tiến bộ tham gia hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 1947, Tô Hiệu vẫn chưa có tổ chức cơ sở Đảng.

Để cho phong trào cách mạng ở đây phát triển theo kịp các địa phương khác trong huyện, Huyện ủy Kim Sơn chủ trương thành lập chi bộ ghép của 3 xã Tô Hiệu, Văn Hải và Thanh Giản để chỉ đạo phong trào chung các xã tiểu khu 4.

Ngày 19/4/1948, tại nhà ông Ngôn, thôn Tuy Định xã Thanh Giản (xã Định Hóa ngày nay) Hội nghị thành lập chi bộ Đảng của tiểu khu 4 được tổ chức. Tham gia hội nghị có các đồng chí Trần Tú, Bùi Ngọc Xuân, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Sơn cán bộ phụ trách tiểu khu của huyện, cùng với gần 20 đảng viên của 3 xã Tô Hiệu, Văn Hải và Thanh Giản. Đồng chí Nguyễn Văn Khuyến, bí thư chi bộ Thanh Giản được cử giữ chức bí thư chi bộ của tiểu khu. Chi bộ chia làm 3 tổ đảng ở 3 xã. Riêng xã Tô Hiệu do điều kiện khó khăn cán bộ Đảng quá mỏng nên huyện cử đồng chí Nho, đồng chí TrầnKy phụ trách.

Sự ra đời của chi bộ tiểu khu 4, đánh dấu bước phát triển về chất trong phong trào cách mạng của nhân dân các xã Văn Hải, Tô Hiệu, Thanh Giản.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào cách mạng trên địa bàn xã Tô Hiệu trong năm 1948 có chuyển biến tích cực. Các đoàn thể quần chúng, tổ chức dân sinh được củng cố và mở rộng.

Để đảm bảo khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng của từng xã, tháng 12/1948, tại nhà ông Phạm Minh Ngôn thôn Tuy Định xã Thanh Giản Chi bộ tiểu khu họp, quyết định tách chi bộ để thành lập ở mỗi xã một chi bộ độc lập.

Năm 1949, cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên đà thắng lợi, cục diện chiến tranh thay đổi, buộc địch phải chuyển hướng chiến lược từ "đánh nhanh, thắng nhanh” sang đánh lâu dài với ta. Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp thực thi kế hoạch Rơve với âm mưu mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Để đánh chiếm vào vùng đồng bằng Bắc bộ, thực dân Pháp xác định trọng điểm là hai khu Công giáo Bùi Chu và Phát Diệm nhằm câu kết chặt chẽ với các phần tử phản động lợi dụng Công giáo nhằm vơ vét nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho cuộc chiến.

Ngày 16/10/1949, thực dân Pháp dùng 17 máy bay Đakôta, có trên chục máy bay chiến đấu yểm trợ, thả 300 quân nhảy dù cùng vũ khí xuống đất thánh Phát Diệm, nghĩa địa Lưu Phương và Tự Tân Thượng. Cùng lúc đó 1 tàu chiến, 3 canô chở 1000 quân từ Hòn Nẹ tiến vào cửa sông Kim Đài đổ bộ lên phối hợp với quân nhảy dù chiếm đóng Phát Diệm. Sau khi chiếm đóng Phát Diệm, địch nhanh chóng triển khai lực lượng chiếm đóng toàn bộ Kim Sơn. Tại tiểu khu 4, thực dân Pháp lập bốt Văn Hải, bốt Càn khống chế miền Tây Nam Kim Sơn và khu vực giáp ranh vùng tự do (Nga Sơn-Thanh Hóa).

Ngay sau khi thực dân Pháp đánh chiếm, chi bộ Đảng xã Tô Hiệu đã họp để bàn phương án tác chiến. Quyết định của chi bộ là: Rút cán bộ, đảng viên và du kích vào hoạt động bí mật, vận động nhân dân tản cư kháng chiến. Chi bộ cử đồng chí Tân, Đăng, Phúc, Cầu trực tiếp lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Xã Tô Hiệu tiến hành thành lập ủy ban kháng chiến hành chính. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng được cử làm Chủ tịch ủy ban, đồng chí Phạm Minh Tân Phó chủ tịch, đồng chí Phan Văn Phan phụ trách quân sự và đồng chí Phạm Văn Môn làm thư ký.

Cuối năm 1949 đầu năm 1950 vùng tạm chiếm Kim Sơn gặp nhiều khó khăn. Thực dân Pháp bước đầu ổn định và củng cố các địa bàn đã đánh chiếm. Một mặt chúng mở rộng các cuộc càn quét ra toàn huyện, đồng thời tiến hành xây dựng một hệ thống đồn bốt kiên cố. Tại khu 4, Thực dân Pháp cho xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc bao quanh các xã Tô Hiệu, Văn Hải, Thanh Giản, như bốt Tùng Thiện, bốt Càn, Bốt Vẹt, bốt Văn Hải. Lúc này các tổ chức chính trị và tôn giáo phản động như Việt Quốc, Việt Cách, Thanh niên diệt cộng cũng trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ.

Từ giữa những năm 1950, phong trào kháng chiến ở Tô Hiệu đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Quân Pháp tăng cường củng cố lực lượng, mở nhiều cuộc càn quét, cướp bóc tài sản của nhân dân và lùng bắt cán bộ du kích. Bọn tề dõng ngày càng đàn áp dã man hơn. Chúng tuyên bố rào làng bắt du kích, ngăn cản giáo dân tham gia kháng chiến, các cơ sở cách mạng, các tổ chức quần chúng bị kiểm soát chặt chẽLực lượng đảng viên và du kích giảm sút.

Để thống nhất việc lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Tiểu khu 4, Huyện uỷ Kim Sơn chủ trương sát nhập 3 chi bộ: Thanh Giản, Văn Hải và Tô Hiệu thành chi bộ ghép của cả tiểu khu. Tháng 3/1950 tại thôn Tân Đức xã Nga Thanh, Nga Sơn, Thanh Hóa chi bộ các xã Tô Hiệu, Văn Hải, Thanh Giản tổ chức hội nghị thành lập chi bộ ghép lần thứ 2. Đồng chí Nguyễn Văn Lãng được bầu làm Bí thư chi bộ.

Cuối tháng 10/1950, chi bộ Tiểu khu quyết định dùng lực lượng du kích của ba xã Tô Hiệu, Thanh Giản và Văn Hải, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh thẳng vào bốt Văn Hải, gây cho địch những thiệt hại lớn.

Năm 1951, cách mạng nước ta có nhiều chuyển biến. Tháng 2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng được tiến hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đây là Đại hội nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến, Đảng ta chính thức ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam.

Tháng 5/1951, Huyện Đảng bộ Kim Sơn triệu tập Đại hội lần thứ III. Đại hội đã phân tích rõ đặc điểm tình hình và thông qua Nghị Quyết cho giai đoạn trước mắt lúc đó là: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, chống lại âm mưu chia rẽ lương giáo của địch, chống lại chính sách dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của chúng. Đẩy mạnh các hoạt động nhất là phong trào chiến tranh du kích trong vùng địch hậu. Củng cố chính quyền, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích. Bảo vệ và giữ vững các cơ sở cách mạng, chống càn quét khủng bố, bắt lính bắt phu và chống thuế. Tăng cường công tác vận động quần chúng phá tề, trừ gian”.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ, tháng 4/1951, chi bộ Tiểu khu 4 tổ chức đại hội. Đại hội quyết định tách chi bộ của tiểu khu để thành lập ở mỗi xã một chi bộ độc lập. Chi bộ xã Tô Hiệu do đồng chí Nguyễn Thị Hồng làm Bí thư, đồng chí Phạm Minh Tân làm Phó bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân xã Tô Hiệu nói chung, Kim Mỹ nói riêng đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, không sợ hy sinh gian khổ, phối hợp cùng các xã bạn, lực lượng bộ đội của huyện tham gia đánh địch hàng chục trận, tiêu diệt, làm bị thương hàng trăm tên địch.

Tháng 1/1952, tên Chinh đồn trưởng bốt Tùng Thiện chỉ huy bon tay chân bắt đồng chí Hồng bí thư chi bộ xã Tô Hiệu tại Tân Mỹ. Chúng tra tấn hết sức man rợ rồi trao lại cho thực dân Pháp. Sự khủng bố “trắng” của địch làm cho phong trào kháng chiến ở Tô Hiệu gặp rất nhiều khó khăn. Phong trào chiến tranh du kích tạm thời lắng xuống. Nhiều đồng chí bị bắt hoặc bị lộ phải chuyển ra vùng tự do. Cuộc kháng chiến của nhân dân Tô Hiệu nói chung, tại Kim Mỹ nói riêng bước vào thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất.

Trước hoàn cảnh đó, đầu năm 1953 Huyện ủy cử các đồng chí Hữu Tuấn đồng chí Yến và đồng chí Hưu về Tô Hiệu hoạt động nhằm khôi phục phong trào. Các đồng chí Tân, Đăng vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động. Tháng 2/1953, ta kiện toàn lại tổ chức Đảng và chính quyền. Đồng chí Phạm Minh Tân được cử giữ chức Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Văn Đăng Chủ tịch ủy ban kháng chiến. Chi bộ xã Tô Hiệu lãnh đạo tăng cường củng cố lực lượng vũ trang và các tổ chức quần chúng. Vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, bắt phu. Tích cực làm công tác binh vận. Đấu tranh đòi bọn địa chủ phải giảm tô, giảm thuế. Lực lượng du kích xã đẩy mạnh cuộc đấu tranh phá tề, trừ gian. Tích cực phục kích đánh địch trên bờ sông Càn. Phối hợp cùng lực lượng du kích xã Văn Hải, Thanh Giản và bộ đội chủ lực mở cuộc tấn công đánh vào bốt Văn Hải lần thứ 2  (tháng 12/1953). Lần này, quân địch chống cự yếu rồi bỏ chạy.

 Sang đầu năm 1954, quân và dân Kim Sơn liên tiếp mở những cuộc tấn công trên qui mô lớn nhằm tiêu hao sinh lực, phá tan kế hoạch gom dân của địch. Tại địa bàn khu IV, bộ đội huyện và du kích các xã Tô Hiệu, Thanh Giản liên tiếp mở cuộc tấn công tiêu diệt sinh lực địch. Du kích xã Tô Hiệu thường xuyên phối hợp với các đơn vị bạn tấn công địch ở các đồn Tùng Thiện, Văn Hải và tham gia cuộc chiến đấu chống càn ở thôn Tuy Định tháng 2/1954.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Tô Hiệu vô cùng phấn khởi, gấp rút chuẩn bị điều kiện để giành lại chính quyền từ tay địch, giải phóng quê hương. Ngày 30/6/1954, cũng như các xã trong huyện, xã Tô Hiệu được giải phóng.

Trong 5 năm trực tiếp kháng chiến (1949-1954), cán bộ và nhân dân Kim Mỹ đã vượt qua muôn trùng khó khăn thử thách để chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai. Mặc dù bị địch kiểm soát chặt chẽ, khủng bố gắt gao, nhưng cơ sở kháng chiến và phong trào du kích vẫn được duy trì hoạt động trong lòng địch. Cán bộ và du kích vẫn kiên cường bám dân, bám đất chiến đấu. Lực lượng du kích xã đã tham gia nhiều trận chiến đấu lớn nhỏ. Bắt 12 tên tề dõng đưa ra vùng tự do cải tạo và cảnh cáo nhiều tên đầu sỏ tay sai. Cũng trong cuộc chiến đấu đó, Kim Mỹ phải chịu nhiều mất mát, đau thương. Nhiều nhà cửa bị địch tàn phá, trâu bò, lợn gà và nhiều tài sản của nhân dân bọn chúng cướp bóc. Nhiều cán bộ, du kích bị địch bắt tù đầy, giam cầm, bị tra tấn dã man, 7 đồng chí tham gia bộ đội chống Pháp, 2 đồng chí liệt sĩ. Nhiều gia đình cơ sở trung kiên, nhiều cán bộ nằm vùng kiên cường. Đó là những tấm gương sáng của cán bộ chiến sĩ và nhân dân Kim Mỹ. Với những thành tích đó, cán bộ và nhân dân Kim Mỹ đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng 18 bằng gia đình cơ sở, 2 bằng Tổ quốc ghi công, 7 bằng chiến sĩ vẻ vang, 2 cá nhân được thưởng bằng khen.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chi bộ đảng xã Tô Hiệu lại tập trung lãnh đạo cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam, khôi phục sản xuất, tiến hành cải cách ruộng đất.

Do yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống trong bối cảnh mới, tháng 10 năm 1956, được sự nhất trí của huyện, xã Tô Hiệu được tách làm 3 xã: Kim Tân, Kim Mỹ, Tô Hiêu tức xã Cồn Thoi ngày nay. Tuy vậy, lúc này 3 xã vẫn chung một chi bộ Đảng. Điều đó gây khó khăn tới việc lãnh đạo chỉ đạo phong trào cách mạng ở mỗi địa phương. Mặt khác lúc này số lượng đảng viên được kết nạp mới và một số đồng chí được phục hồi Đảng đã nâng số lượng đảng viên ở chi bộ lên khá đông. Đó là điều kiện đảm bảo cho mỗi xã thành lập một chi bộ độc lập.

Ngày 4/01/1957, tại nhà đồng chí Phạm Minh Tân xóm Đông Yên xã Kim Tân, Hội nghị đã nhất trí tách chi bộ Tô Hiệu thành 3 chi bộ Đảng ở 3 xã.

Chi bộ Kim Mỹ gồm 6 đồng chí, trong đó có các đồng chí Trần Văn Khoan, Phạm Thị Triệu, Phạm Đắc Trí  là người ở địa phương, 3 đồng chí còn lại ở nơi khác chuyển đến. Đồng chí Trần Văn Khoan được cử giữ chức Bí thư chi bộ.

Việc thành lập Chi bộ riêng ở mỗi xã là dấu mốc lịch sử trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ các xã Kim Mỹ, Kim Tân, Cồn Thoi. Từ đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, phong trào cách mạng xã Kim Mỹ được chỉ đạo cụ thể, sâu sát và đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực.

Sau thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và tiến hành cải cách ruộng đất, bộ mặt xã hội nông thôn miền Bắc thay đổi nhanh chóng. Ruộng đất đã về tay nông dân. Tuy nhiên người nông dân làm ăn cá thể theo phương thức cổ xưa lạc hậu. Nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, năm 1958, Đảng ta ban hành Chỉ thị 55, đề ra chủ trương xây dựng phong trào hợp tác hóa, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, Kế hoạch của Huyện uỷ, chi bộ Đảng xã Kim Mỹ khẩn trương tiến hành xây dựng thí điểm tổ đổi công. Tổ đổi công đầu tiên được thành lập ở xóm Mỹ Hoá do bà Lập làm tổ trưởng gồm 12 gia đình. Tiếp theo các tổ đổi công ở các xóm khác cũng lần lượt ra đời. Vụ mùa 1958, các tổ đổi công bắt tay vào thực hiện các khâu như làm đất, gieo mạ và thu hoạch. Với việc tập trung sức và hỗ trợ cho nhau, các công việc đó được hoàn thành nhanh gọn hơn so với các hộ cá thể. Đặc biệt lao động tập thể đã tạo nên không khí vui vẻ, phấn chấn. Trước tình hình ấy, chi bộ quyết định vận động nhân dân thành lập các tổ đổi công trong toàn xã. Đến cuối 1958, cả xã có 30 tổ đổi công, có những tổ lên tới 20 thành viên. Các tổ đổi công lúc này đã phát triển lên một bước cao hơn. Trong sản xuất đã thực hiện bình công chấm điểm. Năng suất lao động tăng lên rõ rệt. Sản xuất đi vào ổn định và phát triển. Công cuộc khai hoang lấn biển và thuỷ lợi nội đồng cũng được đẩy mạnh. Đây là những thắng lợi bước đầu quan trọng trên con đường xây dựng phong trào hợp tác hoá nông nghiệp.

Từ cuối năm 1958, Đảng ta chỉ thị cho các địa phương miền Bắc tiến hành  xây dựng HTX, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Quán triệt chủ trương của Đảng, đầu năm 1959, chi bộ Đảng Kim Mỹ tiến hành Đại hội lần thứ I. Đại hội đã tổng kết phong trào xây dựng tổ đổi công, đồng thời đề ra phương hướng xây dựng các HTX nông nghiệp.

Sau Đại hội, Chi bộ Đảng chọn xóm Mỹ Hoá làm điểm cho phong trào xây dựng hợp tác xã. Tháng 5/1959, hợp tác xã đầu tiên được thành lập do ông Nguyễn Duy Khẩn làm Chủ nhiệm, có 16 hộ gồm 20 mẫu ruộng, 4 con trâu. Từ thắng lợi của hợp tác xã Mỹ Hoá, chi bộ xã Kim Mỹ quyết định nhân rộng phong trào hợp tác hoá ra toàn xã. Năm 1960, Kim Mỹ đã thành lập thêm được 8 Hợp tác xã, thu hút trên 80% hộ nông dân tham gia. Cũng trong năm 1960, hợp tác xã mua bán được thành lập do ông Hợp làm Chủ nhiệm, Hợp tác xã tín dụng do ông Bùi Dần làm Chủ nhiệm.

Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được tổ chức. Đây là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh ở miền Nam nhằm thống nhất nước nhà. Căn cứ vào nhiệm vụ của nhân dân miền Bắc, Đại hội đã đề ra kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đưa miền Bắc đi lên CNXH, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Từ năm 1962, phong trào hợp tác hóa có những chuyển biến quan trọng. Chi bộ Đảng lãnh đạo sát nhập 9 HTX nhỏ thành 4 HTX có quy mô lớn. Đây là một thắng lợi của phong trào xây dựng hợp tác hoá trong nông nghiệp của cán bộ và nhân dân Kim Mỹ. Cuộc sống mới đã từng bước phát triển trên mảnh đất Kim Mỹ. Thắng lợi đó càng làm cho quần chúng nhân dân thêm tin vào Đảng, tin vào sự nghiệp xây dựng CNXH do Đảng lãnh đạo.

Cùng với phong trào xây dựng hợp tác xã, Kim Mỹ còn phát động phong trào “Vượt hoặc tiến kịp Đại Phong”, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức các buổi thi cấy Phong trào làm phân xanh, làm bèo hoa dâu cũng phát triển sôi nổi. 85% diện tích của Kim Mỹ được phủ kín bèo hoa dâu. Năm 1962, năng suất lúa của Kim Mỹ đạt 4,1 tấn/ha. Bình quân lương thực đầu người đạt 400kg/năm. Phong trào giáo dục phổ thông được đặc biệt quan tâm. Năm 1962, trường cấp II được xây dựng với 2 lớp học. Đây là ngôi trường cấp II đầu tiên ở tiểu khu 4.

Cùng với việc đầu tư thâm canh, phát triển cây lúa, cán bộ và nhân dân Kim Mỹ còn đẩy mạnh trồng cói, trồng màu và phát triển chăn nuôi. Năm 1964, diện tích trồng cói ở Kim Mỹ có gần 100 mẫu, năng suất cói ở Kim Mỹ đạt 4 tấn/ha, một số nghề thủ công được phục hồi, nổi bật là nghề dệt chiếu, làm thảm, làn cói. Một số HTX đã thành lập các đội chuyên sản xuất và chế biến cói. Kinh tế, xã hội phát triển đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Hòng ngăn chặn sự tiếp tế từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, trong giai đoạn 1965-1975, đế quốc Mỹ đã tiến hành 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Từ năm 1965 đến năm 1972, chúng đã huy động hàng nghìn lượt máy bay với hàng ngàn tấn bom đạn, tổ chức 586 trận bắn phá vào địa bàn các xã của huyện Kim Sơn làm chết 370 người, bị thương 459 người, có trận tàn phá đến mức huỷ diệt như ở thị trấn Phát Diệm, cầu Trì Chính, chợ Đồng Đắc - Thủ Trung, nhà thờ Thủ Trung, nhà dòng Lưu Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, cầu sắt Hồi Ninh…Riêng xã Kim Mỹ nhiều thôn, xóm trong xã bị máy bay địch bắn phá, nhiều gia đình bị sập nhà cửa như gia đình ông Tam, ông Đỉnh, ông Tiến, ông Luân, ông Thức. Nhiều người bị bom đạn của giặc giết hại như vợ chồng ông Đại (xóm 4, Tân Khẩn), ông Tuất (xóm 6-Tân Khẩn).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân xã Kim Mỹ đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường chiến đấu chống trả các cuộc đánh phá của máy bay Mỹ. Xã thành lập 1 tiểu đội du kích trực chiến, chia làm 3 đội, 1 đội trực ở Càn trên, 1 ở Càn dưới và 1 đội cơ động. Kết hợp với bộ đội tăng cường của huyện, du kích xã Kim Mỹ đã tham gia hàng chục trận đánh chống máy bay địch. Ngày 10/5/1972, lực lượng trực chiến của Kim Mỹ đã phối hợp với trung đội trực chiến của Văn Hải bắn rơi một máy bay F4 của địch bằng súng trường. Đó là niềm vui, là chiến công chung của nhân dân các xã tiểu khu 4.

Trong kháng chiến chống mỹ, với tinh thần hướng về miền Nam ruột thịt, chia lửa cùng cả nước. Lớp lớp thanh niên Kim Sơn trong đó có thanh niêm Kim Mỹ đã lên đường tòng quân giết giặc, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Từ năm 1955 đến 1975, huyện Kim Sơn đã tổ chức 39 đợt giao quân với 12.190 thanh niên nhập ngũ và 3.818 thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến. Riêng xã Kim Mỹ có 401 thanh niên lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó có ...........đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hàng năm Kim Mỹ đóng góp cho Nhà nước từ 300 đến 500 tấn lương thực, từ 500 đến 1000 tấn cói và thực phẩm

Cùng với chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, các hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp được duy trì, các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng được áp dụng rộng rãi. Năm 1965 năng suất lúa của Kim Mỹ đã đạt 5 tấn/ha, là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn huyện về năng suất lúa. Đồng thời, Kim Mỹ cũng là một trong những xã có diện tịch và sản lượng cói thành phẩm cao nhất các xã tiểu khu 4 của huyện, với 700 tấn cói thành phẩm mỗi năm. Khẩu hiệu “tiến ra biển khơi, kéo trời xanh lại gần” được các HTX ở Kim Mỹ giương cao, hàng trăm mẫu lau sậy được phát quang, thau chua rửa mặn và đưa vào sản xuất. Tính đến cuối 1973 Kim Mỹ đã khai phá được 97 ha đưa vào trồng cói. Các hoạt văn hóa, y tế, giáo dục được Đảng bộ hết sức coi trọng. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, góp phần đẩy lùi những hủ tục lạc hậu.

Từ sau ngày được thành lập, qua 10 năm phát triển, chi bộ Đảng xã Kim Mỹ ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Được sự đồng ý của Huyện ủy Kim Sơn, năm 1965, chi bộ Đảng Kim Mỹ  tổ chức Đại hội lần thứ V. Tại đại hội, chi bộ Đảng được nâng cấp thành Đảng bộ xã với 3 chi bộ trực thuộc gồm 2 chi bộ HTX và 1 chi bộ trường học. Qua thực tiễn chiến đấu và lao động sản xuất, cán bộ, đảng viên Kim Mỹ đã được tôi luyện thử thách và trưởng thành. Đảng bộ không ngừng phát triển và lớn mạnh, thực sự trở thành người trực tiếp lãnh đạo nhân dân trong chiến đấu và trong lao động. Từ một chi bộ Đảng ban đầu chỉ có 6 đảng viên, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển năm 1975 Đảng bộ Kim Mỹ đã có 47 đảng viên.

Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, non sông thống nhất về một mối, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Huyện uỷ Kim Sơn, Mỹ bắt tay vào thời kỳ cách mạng mới với nhiệm vụ quan trọng là vừa khắc phục hậu quả chiến tranh vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là thời kỳ chúng ta gặp không ít khó khăn do thiên tai liên tục, cơ chế quản lý tập trung, mô hình tổ chức quản lý các hợp tác xã có nhiều thay đổi.

Với quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành động lực, Đảng bộ Kim Mỹ đã tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện mạng lưới thuỷ lợi, đổi mới công tác quản lý, thực hiện tốt Nghị quyết số 10 của Trung ương trong nông nghiệp. Vì vậy, kinh tế xã hội đã cơ bản phát triển, đời sống nhân dân trong xã dần được cải thiện, bước đầu tạo cơ sở nền móng để xây dựng XHCN.

Hơn 100 năm sau khi được khai hoang lập ấp, 65 năm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, diện mạo kinh tế, xã hội và con người Kim Mỹ đã có những thay nhanh chóng, nhất là trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Từ mảnh đất sình lầy, lau sậy, từ vùng quê muôn vàn khó khăn, nhưng đến nay chúng ta tự hào, đời sống nhân dân được nâng lên, đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo được tăng cường; tình hình chính trị ổn định; kinh tế phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tiềm năng thế mạnh của xã được khai thác và phát huy, cơ sở hạ tầng được đầu tư từng bước hoàn thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại.

Trong phát triển sản xuất: sản xuất nông nghiệp có chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh, nên đã giành được thắng lợi cả trong trồng trọt, chăn nuôi. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh nhất là dịch benehjtrong chăn nuôi, nhưng với bản chất cần cù chịu khó người dân Kim Mỹ vẫn luôn khắc phục khó khăn, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, vào sản xuất chăn nuôi từng bước năng cao giá trị sảng xuất. Đặc bietj trong những năm gần dây, ngành ngề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ thương nghiệp trên địa bàn xã có bước phát triển; nhiều cơ sở may gia công hình thành; từng bước khôi phục lại nghề đan lát đã góp phần giải quyết việc làm tại chố cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dan. Trong phát triển kinh tế xã đã quan tấm hỗ trợ để người dân vay vốn phát triển kinh tế. Hiện tổng dự nợ các khoản tín dụng của nhân dân trên địa bàn xã là .. Tỷ đồng trong đó Ngân hàng chính sách…Thu nhập trung bình trên địa bàn xã năm 2021 đạt 51,3 triệu đồng / người/năm tăng % so với năm 2010.

Các hoạt động văn hoá, thông tin, truyền thanh, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường. Công tác giáo dục duy trì và phát triển cả về số lượng và chất lượng, cả 3 khối trường đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, trường trung cấp nghề ngày càng tăng lên, hàng năm có hàng trăm em thi đỗ vào các trường Đại học Đặc biệt năm học 2020- 2021 xã có 1 em đỗ Thủ khoa và Đại học khối A, và nhiều em đố đại học số điểm trên 27 điể; học sinh trường THCS xã trúng tuyển vào lớp 10 có tỷ lệ cao nhất huyện. Khối đại Đoàn kết toàn dân nhân dân, đoàn kết lương giáo không ngừng được củng cố. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung tay xây dựng nông thôn mới được phát động thực hiện có hiệu quả.  Về thực hiện nếp sống mới được xây đựng ban hành và thực hiện có hiệu quả. Phong trào thể dục thể thao của Kim Mỹ luôn được xếp vào tốp đầu của huyện. Các chính sách xã hội, công tác giảm nghèo hỗ trợ hộ khó khăn được xã quan tâm thực hiện đầy đủ. Đặc biệt trong công tác chăm sóc người có công được các hệ cán bộ và nhân dân trong xã thực hiện chú đáo, xã đã giành một phần ruộng công ích để hỗ trợ gia đình người có công và thờ cúng liệt sĩ; ngày giỗ liệt sỹ xã đã đến thắp hương tri ân tưởng nhớ; các ngày lễ tết đã động viên thăm hỏi và tặng quà gia đình chính sách, người có công từ đó đã phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc; trong công tác người có công xã đã nhiều lần được tặng bằng khen của Thủ tướng chính phủ và của UBND Tỉnh và các cấp các ngành. Bên cạnh đóPhong trào từ thiện nhân đạo được nhân dân hết lòng ủng hộ. Trong những năm qua nhân dân trong xã tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, Hiến giác mạc và trở thành một trong những xã đi đầu của huyện về phong trào này. Đặc biệt trong đợt phong tỏa phòng chống dịch bênh covid 19 cuối tháng 8 năm 2021 trên địa bàn xã, nhân dân trong xã đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ nhau lúc khó khăn một cách sâu sắc, ý nghĩa, đã có hàng trăm triệu đồng tiền mặt, hàng tấn lương thực thực thực phẩm, rau của quả, nhu yếu phẩm và hàng trăm xuất ăn hỗ trợ cho các hộ gặp khó khăn trong vùng phong tỏa và lực lượng làm công tác phòng chống dịch bệnh.

Công tác đảm bảo an ninh quốc phòng địa phương được đặc biệt quan tâm; là một xã bãi ngang ven biển, tiếp giáp cửa sông Càn, tiếp giáp với nhiều xã xung quanh; địa bàn xã cónhững yếu tố quan trọng cần đặc biệt quan tâm về quốc phòng an ninh, do vậy Đảngbộ luôn xác định nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu. Hằng năm đều ban hành Nghị quyết lãnh đạo công tác quốc phòng an ninh; xây dựng lực lượng dân quân, công an vững mạnh; chỉ đạo nắm bắt, xử lý kịp thời các vấn đề xảy ra trên địa bàn xã không để đột xuất bất, ngờ; Hằng năm luôn phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giao quân; phát động thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bào vệ an ninh tổ quốc và công tác Quốc phòng toàn dân.

Công tác xây dựng đảngvà hệ thống chính trị được thực hiện thường xuyên: MTTQ các đoàn thể thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả; tích cực phát động phong trào thi đua trong đoàn viên hội viên; vận động đoàn viên hội viên tham gia sinh hoạt; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên; xây dựng mối đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo; phát độngt hwucj hiện cso hiệu quả phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa tích cực phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Kim Mỹ.

Hoạt động của Chính quyền có nhiều đổi mới, từng bước tiếp cận xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện tốt cải cách hành chính; đổi mới tư duy trong hoạt động tiếp dân và phục vụ nhân dân; xây dựng chính quyền liêm chính công tâm khách quan và vì nhân dân phục vụ. Trong quá trình phát triển, mặc dù cũng có những giai đoạn khó khăn trong công tác cán bộ song, đảng bộ cũng đã từng bước vượt qua; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức xã vững mạnh, luôn có ý thức vươn lên, tích cực rèn luyện, học tập nâng cao trình độ năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng, biên chế đầy đủ đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của xã.

Đặc biệt Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững nguyên tắc và kỷ luật Đảng. Đội ngũ đảng viên luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu trước quần chúng, phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách. Đồng thời coi trọng công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng. Do vậy, sức mạnh của Đảng bộ ngày càng được tăng cường và vững mạnh. Trải qua 65 năm phát triển, qua 24 kỳ đại hội đến nay toàn Đảng bộ có 231, đảng viên sinh hoạt ở 19 chi bộ. Đảng bộ thường xuyên tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Đảng bộ nhiều năm được công nhận Đảng bộ 4 tốt, Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Trong những năm gần đây, thực hiện chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới xã đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng địa phương nhằm từng bước thay đổi diện mạo của xã, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hôi và thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.  Đặc biệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020- 2025, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 songĐảng bộ, chính quyền , MTTQ các đoàn thể của xã đã vào cuộc quyết liệt động viên nhân dân tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022. Trong 2 năm đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển sản xuất, vận độngnhân dân đóng góp làm trên 20 km đường giao thông dong ngõ, xây dựng 4 nhà Văn hóa xóm, sửa chữa nâng cấp 6 cầu dân sinh; xã đã khởi công đầu tư xây dựng 7 công trình giao thông gắn với kè kiên cố kênh mương, bảo vệ đường giao thông với tổng dự toán hàng trăm tỷ đồng; tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên để đề đầu tư xây dựng nâng cấp các trường học, trạm y tế xã đảm bảo tiêu chí chẩu quốc gia. Đế nay sau 65 năm qua, từ một xã mới hình thành được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của Đảng bộ, sự chung tay chung sức của toàn dân kết cấu hạ tầng của xã đã hoàn thiện theo hướng khang trang, đồng bộ. Hệ thống đường giao thông của xã với các đường liên xóm, đường dong đã cơ bản được đầu tư nâng cấp và bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi nội đồng với các kênh tưới tiêu cấp 1-2-3 được được đầu tư đào đắp, nạo vét, chỉnh trang; hoàn thành việc dồn diền đổi thửa phục vụ sản xuất. Trụ sở làm việc của Đảng ủy-HĐND-UBND xã, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa xóm, các trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Kết thúc năm 2021, xã đạt 16/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2022 xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Nông thôn mới.

Kỷ niệm 65 năm thành lậpĐảng bộ, chúng ta tự hào về truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, nhưng lại càng thấy trách nhiệm lớn lao trong lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng Kim Mỹ ngày càng giàu đẹp. Cùng với những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, trong những năm tới chúng ta cần tăng cường đoàn kết thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Tập trung thực hiện nghiêm túc có hiệu quảcông tác xây dựng dảng vững mạnh, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo tinh thần Kết luận 01 củ Bộ chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ “ xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, theo tinh thần Kế luận 21 của BCH TW Đảng khóa XII; thực hiện chủ đề công tác thwucj hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đnrg về ý chí tự lực tự cường  phát huy hơn nưa vai trò lãnh đạo của Tổ chức cơ sở đảng và tính tiền phong gương mẫu của đảng viên; củng cố niềm tin, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Đề cao vai trò trách nhiệm của cán bộ đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu trong lời nói, việc làm và thực sự gương mẫu ở nơi làm việc và trong khu dân cư.

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; Phát triển đồng bộ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới; Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; Phát triển toàn diện văn hóa-xã hội; Đảm bảo quốc phòng, an ninh; Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Với niềm tin vững chắc vào kết quả và bài học kinh nghiệm đã đúc kết được trong 65 năm qua. Đảng bộ quân và dân trong xã tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, ra sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kim Sơn lần thứ XXIII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, xây dựng Kim Mỹ "giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, xã hội, vững mạnh về an ninh quốc phòng, cùng nhân dân trong huyện tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn thử thách, vững bước tiến vào thời kỳ mới thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Bài liên quan
Văn bản mới
Xem thêm
Video
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 78421

Trực tuyến: 5

Hôm nay: 168