Trang Thông tin điện tử

xã Kim Mỹ - Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 23/12/2024
Chào mừng bạn đến Trang thông tin điện tử UBND xã Kim Mỹ

Kỷ niệm 49 năm Hiệp định Pari năm 1973 - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2022)

Thứ ba, 25/01/2022

Cách đây 49 năm, vào ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - một kỳ tích về ngại giao có được sau gần 5 năm đàm phán, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược. Hiệp định đã mở ra một cục diện mới với thế mạnh áp đảo của Việt Nam trên chiến trường, tạo tiền đề vững chắc cho quân và dân ta tiến lên “đánh cho Ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự, phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến tranh giải phóng và thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam; vạch trần những thủ đoạn, mưu đồ đen tối, tính chất phi nghĩa, tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược của địch, đã góp phần quan trọng tạo nên Phong trào nhân dân thế giới rộng lớn chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam - một Phong trào mang tính lịch sử và thời đại, tiêu biểu cho lương tri của loài người, đã tác động rất lớn tới dư luận tiến bộ Mỹ, thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ.

Bản Hiệp định Pari về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều. Nội dung chủ yếu của Hiệp định là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.

Ngày 28/1/1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam.

Ngày 31/1/1973, Tổng thống Nichxơn gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 2/3/1973, ký Định ước Pari về Việt Nam.

Ngày 29/3/1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam.

Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. 

 Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

 Hiệp định Paris về Việt Nam là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Với Hiệp định Paris về Việt Nam, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt dính líu quân sự, tạo thuận lợi cho cách mạng phát triển; ngụy mất chỗ dựa về quân sự, bị suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng chính trị; Mỹ phải lùi về chiến lược, đi sâu vào xu thế rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và tránh một Việt Nam thứ hai. Hiệp định Paris là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại.

Hiệp định cũng xác nhận thực tế miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát; xóa ngụy một bước về pháp lý, ta giữ vững lực lượng quân sự, chính trị của ta, làm cơ sở cho cách mạng miền Nam tiến lên.

 Hiệp định mở ra giai đoạn mới, tạo điều kiện cho việc hoàn thành giải phóng miền Nam. Hiệp định buộc Mỹ rút hết, ngụy mất chỗ dựa và suy yếu, ta giữ nguyên lực lượng và lớn mạnh lên, xuất hiện cục diện mới, so sánh lực lượng mới ở miền Nam. Đây là điều kiện cơ bản rất thuận lợi cho ta. Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo so sánh lực lượng mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành giải phóng miền Nam. Mỹ rút quân nhưng Việt Nam vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, chiến thắng mùa Xuân 1975 hoàn toàn giải phóng miền Nam không tách khỏi thắng lợi của Hiệp định Paris.

Hiệp định Paris 1973 phản ánh thắng lợi ở mức cao trong bối cảnh quốc tế có thuận lợi nhưng cũng phức tạp. Việt Nam đã tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”. Sự hình thành của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đã thể hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân.

Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia. Tuy Hiệp định không trực tiếp giải quyết vấn đề Lào, Campuchia nhưng buộc Mỹ chấm dứt dính líu quân sự, rút quân khỏi Lào, trực tiếp đưa đến một giải pháp về Lào năm 1973, mở đường cho nhân dân Lào giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975.

Đối với Campuchia, Hiệp định đẩy Mỹ đi sâu vào xu thế rút lui về quân sự khỏi Đông Dương, trực tiếp đưa đến việc Mỹ phải chấm dứt ném bom Campuchia ngày 15/8/1973, tạo thuận lợi cho các lực lượng kháng chiến Campuchia giành thắng lợi tháng 4/1975. Hiệp định mở ra thời kỳ chấm dứt hoàn toàn sự dính líu và can thiệp của các nước đế quốc vào Lào, Campuchia và bán đảo Đông Dương.

Hiệp định Paris và thắng lợi của nhân dân Việt Nam góp phần mở ra một chương mới trong cục diện Đông Nam Á: Mỹ rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và Đông Nam Á; Khối SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á) giải tán; xu thế hòa bình, trung lập phát triển mạnh trong khu vực, mở ra khả năng thiết lập một khu vực hòa bình, hữu nghị ổn định.

 Hiệp định Paris phản ánh được ở mức cao nhất thắng lợi và xu thế cuộc đấu tranh của nhân dân ta là Mỹ chấp nhận thất bại, rút lui, ta đứng vững và mạnh lên. Với Hiệp định Paris, ta phát huy thắng lợi trên chiến trường, giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. Ta giành thắng lợi trong bối cảnh quốc tế phức tạp, trên chiến trường có nhiều khó khăn nên thắng lợi càng có ý nghĩa to lớn.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó trước hết bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trên các chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và cuối cùng phải ký kết Hiệp định Paris. Thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Ôn lại bài học lịch sử là để sống xứng đáng với các thế hệ cha anh, để hành động có trách nhiệm hơn trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 100080

Trực tuyến: 91

Hôm nay: 253