Trang Thông tin điện tử

xã Kim Mỹ - Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 23/12/2024
Chào mừng bạn đến Trang thông tin điện tử UBND xã Kim Mỹ

Quyết định và quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã Kim Mỹ

Thứ tư, 28/07/2021

ỦY BAN NHÂN DÂN
XàKIM MỸ

 

Số: 44/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
 
 

 

 

Kim Mỹ, ngày 12 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN XÃ KIM MỸ

ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ KIM MỸ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29/11/2005;

Căn cứ Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ quốc hội ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội;

Căn cứ Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Căn cứ Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;

Xét đề nghị của CC VP HĐND&UBND xã và CC VHTT xã Kim Mỹ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã Kim Mỹ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 5 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Văn phòng HĐND&UBND xã; các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBND huyện;
- Ủy ban MTTQ huyện;
- Phòng Tư pháp huyện;
- Phòng Văn hóa huyện;
- TT Đảng ủy, TT HĐND, LĐ UBND xã;
- Lưu: VP.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH
 


 

Nguyễn Văn Thắng

 

QUY ĐỊNH

THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN XÃ KIM MỸ
(Ban hành kèm theo Quyết định số:44/QĐ-UBND ngày 12/8/2020

 của Ủy ban nhân dân xã Kim Mỹ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này điều chỉnh về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã Kim Mỹ.

2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã Kim Mỹ.

Điều 2. Nguyên tắc trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội

1. Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan.

2. Không lợi dụng việc cưới, việc tang và lễ hội để hoạt động nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư, dòng họ và gia đình.

3. Không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự công cộng.

4. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.

5. Giữ gìn sự yên tĩnh, hạn chế gây tiếng ồn vào ban đêm.

6. Không sử dụng thời gian làm việc, phương tiện và công quỹ đi đám cưới, đám tang, lễ hội khi không được cơ quan, đơn vị phân công thực hiện nhiệm vụ đó.

7. Phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

8. Không trái với Hương ước, Quy ước của xóm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chương II

NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI,

VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI

 

Mục 1. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI

Điều 3. Tổ chức việc cưới

Việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, các quy định pháp luật khác có liên quan và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, của dòng họ.

Điều 4. Đăng ký kết hôn

1. Đôi nam nữ để trở thành vợ chồng phải đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã, nơi cư trú của một trong hai người theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức việc đăng ký kết hôn theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Điều 5. Trao giấy chứng nhận kết hôn

1. Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi nam nữ đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, thể hiện sự thừa nhận kết hôn hợp pháp của Nhà nước và pháp luật.

2. Tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn phải được tiến hành tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân xã nơi đôi nam, nữ đăng ký kết hôn; lễ trao giấy chứng nhận kết hôn phải bảo đảm nghiêm túc, trang trọng.

Điều 6. Tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới

1. Việc tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới phải thực hiện đúng Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 của UBND tình Ninh Bình. Cụ thể như sau:

a) Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình;

b) Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật;

c) Địa điểm cưới do hai gia đình lựa chọn; thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước; chỉ mời khách đến dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết;

d) Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí;

đ) Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể lịch sự, phù hợp với văn hóa dân tộc và phong tục, tập quán của địa phương.

e) Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh phải đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo quy định tại QCVN 26/2010/BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT- BTNMT, ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.

2. Trường hợp cần sử dụng lòng đường, vỉa hè vào việc cưới như: Dựng rạp cưới, để phương tiện giao thông của người tham gia việc cưới hoặc sử dụng vào mục đích khác liên quan đến việc cưới phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thời gian sử dụng không quá 02 ngày; phải có biển cảnh báo và hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết.

3. Thời gian tổ chức việc cưới không quá 02 ngày.

4. Khuyến khích thực hiện các hoạt động sau trong tổ chức việc cưới:

a) Dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới;

b) Tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới;

c) Cơ quan, tổ chức, đoàn thể, UBND cấp xã đứng ra tổ chức lễ cưới;

d) Tổ chức cưới ở nhà văn hóa xóm;

đ) Hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá;

e) Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử - văn hóa; trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới;

Mục 2. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC TANG

Điều 7. Quy định về việc tang

Việc tang phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Là nghi thức bày tỏ tình cảm đau buồn, thương tiếc tưởng nhớ đến người đã chết, phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá Dân tộc, Tôn giáo, văn hoá của địa phương và hoàn cảnh gia đình người qua đời. Vì vậy cần có các thủ tục sau:

1. Khai tử:

Khi có người qua đời gia đình cử người đại diện đến UBND xã làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức Lễ tang, nội dung ghi rõ thời gian chết, thời gian khâm liệm, lễ viếng và an táng.

2. Công chức văn hoá thông tin xã:

Thông báo tin buồn, thời gian khâm liệm, lễ viếng, lễ tang và lễ an táng trên đài truyền thanh của xã để nhân dân biết tiện cho việc thăm viếng và dự lễ tang người qua đời (Sau khi họp ban lễ tang).

3. Ban Lễ tang:

Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã từ trần do Công chức văn hoá – xã hội xã chủ trì, phối hợp với các đoàn thể, các Tôn giáo và ban lãnh đạo xóm thành lập ban Lễ tang. Tuỳ theo sự cống hiến của người qua đời để phân cấp việc tổ chức viếng, phân công Trưởng ban Lễ tang và đọc lời chia buồn. Cụ thể:

* Đối với bố mẹ liệt sỹ, thương binh hạng 1, cán bộ lão thành Cách mạng do Đồng chí chủ tịch UBND xã làm trưởng ban Lễ tang và đọc lời chia buồn. Đảng ủy – UBND xã tổ chức viếng.

* Đối với người có huy hiệu 60 năm tuổi Đảng trở lên do Đồng chí phó bí thư Thường trực Đảng uỷ làm trưởng ban Lễ tang và đọc lời chia buồn. Đảng ủy tổ chức viếng.

* Đối với vợ liệt sỹ, thương binh từ hạng 2 – 3 – 4, bệnh binh các loại, gia đình cơ sở kháng chiến, người có huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ do Đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban Lễ tang và đọc lời chia buồn. Đảng uỷ, UBND xã tổ chức viếng.

* Đối với người có huân huy chương chiến công, huân huy chương chiến sỹ giải phóng, chiến công giải phóng, huy chương kháng chiến, cán bộ hưu trí mất sức do Đồng chí Công chức LĐ-TBXH làm trưởng ban Lễ tang và đọc lời chia buồn. Ban chỉ huy quân sự xã tổ chức viếng.

 * Đối với các cụ đại thọ từ 100 tuổi trở lên và bố, mẹ các Linh mục, các Sơ, các Sư do Đồng chí chủ tịch UBMTTQVN xã làm trưởng ban Lễ tang và đọc lời chia buồn. Đảng uỷ, UBND tổ chức viếng.

* Đối với Cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, HTX nông nghiệp cả đương chức và đã nghỉ việc, Đảng ủy – UBND xã tổ chức lễ viếng và đọc lời chia buồn theo nguyên tắc ngang cấp hoặc trên một cấp.

* Đối với các công dân trên địa bàn xã khi qua đời nếu không nằm trong các trường hợp trên thì Công chức văn hóa – xã hội làm trưởng ban Lễ tang và đọc lời chia buồn. UBMTTQVN xã tổ chức viếng.

Lưu ý: Trên đây là phân công, phân cấp các đồng chí cán bộ, công chức làm trưởng ban Lễ tang và đọc lời chia buồn, trong trường hợp đặc biệt Thường trực Đảng, UBND xã sẽ phân công, điều chỉnh cho phù hợp.

4. Hội nghị liên tịch:

Trước khi tổ chức Lễ tang, trưởng ban tổ chức Lễ tang tổ chức hội nghị liên tịch gồm đại diện Cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các Tôn giáo, xóm và đại diện tang quyến để thống nhất thành phần tham gia ban lễ tang và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên ban Lễ tang.

5. Các nghi thức Tôn giáo thuần tuý được tổ chức nhưng cần phối hợp chặt chẽ với ban Lễ tang và gia đình để tổ chức trang nghiêm.

6. Thời gian để người chết trong nhà không quá 48 giờ và phải thực hiện theo đúng phong tục, tập quán, Tôn giáo và các các quy định của địa phương.

7. Lễ phát tang và lễ viếng của dòng họ được cử hành theo nghi thức truyền thống, việc dùng nhạc tang không phát trên loa đài sau 21 giờ đêm đến trước 6 giờ sáng hôm sau.

8. Lễ viếng và Lễ tang được tổ chức trang nghiêm tại gia đình, có dâng hương và đặt vòng hoa kính viếng.

9. Tất cả các tổ chức, đoàn thể, Nội tộc, Ngoại tộc các gia đình Thông gia, bạn bè gần xa… sẽ viếng sau khi khâm liệm người qua đời đến trước khi tổ chức lễ tang, trong lễ tang chỉ có 4 đến 5 đoàn đại biểu tổ chức viếng (cụ thể do Ban tổ chức Lễ tang quy định), nếu các đoàn đại biểu nào đến muộn thì ban tổ chức sẽ cho viếng chung vào cuối lễ tang.

10. Tất cả các đám tang trên địa bàn xã Kim Mỹ sử dụng vòng hoa luân chuyển trong lễ tang, gia đình có người qua đời chuẩn bị từ 2 đến 3 vòng hoa và 2 đến 3 mâm hoặc đĩa để đặt lễ vật phúng viếng. (Vòng hoa gia đình chuẩn bị chỉ ghi dòng chữ “Kính viếng”, phông nền đen chữ trắng, các tổ chức, cá nhân có thể chuẩn bị băng tang viếng theo tên tổ chức của mình, khi gia đình báo tang đến các cơ quan, tổ chức và gia đình… thì có thông báo gia đình đã chuẩn bị vòng hoa luân chuyển).

11. Đại diện ban lễ tang đọc tiểu sử người qua đời, lời viết cần ngắn gọn, xúc cảm phản ánh trung thực, đúng thân thế sự nghiệp và những công lao đóng góp của người qua đời, đồng thời chia sẻ nỗi niềm cùng tang quyến.

12. Lời chia buồn của các Tôn giáo cần ngắn gọn, nội dung chỉ viết về thân thế, những công lao, đóng góp của người qua đời đối với Tôn giáo. Không lặp lại tiểu sử người qua đời mà ban lễ tang đã chia sẻ.

13. Dưới sự điều hành của Ban lễ tang, thứ tự các bước hành tang, linh cữu của người qua đời được đưa đến an táng tại Nghĩa trang nhân dân một cách trang nghiêm.

14.  Khuyến khích sử dụng băng đĩa nhạc tang thay cho phường bát âm.

15. Phúng viếng thăm hỏi: Tuỳ theo tình cảm và mối quan hệ với tang quyến người dự lễ tang có thể tự nguyện phúng viếng thăm hỏi bằng tiền, hương, hoa, hoặc bức trướng nhưng không câu lệ về giá trị vật chất.

16. Xóm ngõ khi có người qua đời, mọi người tự giác đến thăm hỏi và cùng lo giúp đỡ công việc giúp tang quyến, không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo. Đây là tình làng nghĩa xóm đã trở thành truyền thống, tập quán tự giác nhiều đời nay. Những trường hợp vắng thiếu nhiều lần không có lý do hoặc thiếu tích cực trong các công việc tang lễ đều bị dư luận nhân dân phê phán

Điều 8: Quy định về việc cải táng

Những gia đình có nhu cầu cải táng phải có đơn xin phép (đối với bên Công giáo phải xin phép Ban chấp hành giáo xứ Tân Mỹ và Tân Khẩn, bên Lương dân phải xin phép Ban chấp hành Làng lương) Vì đây là các tổ chức đại diện cho 2 Tôn giáo đã được UBND xã giao quản lý đất nghĩa trang và phải theo đúng quy chế của địa phương cũng như các hướng dẫn, quy định của các Tôn giáo và phải được sự đồng ý của UBND xã với các điều kiện sau:

1. Người chết đã an táng theo quy định phải đủ 3 năm, (nên để từ 5 năm trở lên).

2. Phải tổ chức cải táng vào mùa đông và vào ban đêm.

3. Khi làm xong phải thu dọn các tấm gỗ, ván và dụng cụ dùng trong cải táng vào nơi quy định, san lấp trả lại mặt bằng nơi thực hiện việc cải táng đảm bảo việc vệ sinh môi trường.

4. Việc cải táng, xây mộ phải nằm trong quy hoạch nghĩa trang, việc xây cất mộ phải thực hiện theo đúng các quy định chung và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung.

Điều 9. Quy định không được làm trong việc tang và cải táng

1. Triệt để bài trừ các hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan như yểm bùa, phát lộc, gọi hồn, lăn đường, ca thuê khóc mướn.

2. Không tổ chức làm ma, đãi khách (bán cỗ lấy tiền). Việc tổ chức ăn uống trong tang lễ chỉ thực hiện nội bộ trong gia đình, dòng họ và phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá trong đám tang.

3. Không được lợi dụng việc tang, việc cải táng để vi phạm tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan gây mất đoàn kết trong gia đình, họ tộc, mất đoàn kết giữa các tôn giáo.

  Điều 10. Quy định về quản lý nghĩa trang nhân dân

1. Nghĩa trang nhân dân do UBND xã quản lý, giao cho Ban chấp hành 2 giáo xứ và Làng lương xây dựng quy chế sử dụng đất nghĩa trang theo đúng quy hoạch của địa phương, các nghĩa trang phải có người quản trang, hướng dẫn mọi gia đình tự giác chấp hành quy định của địa phương.

2. Các gia đình không được tự ý xây dựng phần mộ cho người chưa chết, việc chôn cất xây phần mộ không được làm ảnh hưởng trực tiếp đến phần mộ người khác.

3. Diện tích đất dùng cho việc an táng không quá 4m2/01 người, dùng cho cải táng không quá 2m2/01 người, phần mộ nên xây có chiều cao đồng đều, xây đồng hàng, đồng hướng cho đẹp cảnh quan chung, phù hợp với tôn giáo người qua đời, tránh việc phô trương gây mất cảnh quan và quy hoạch chung của nghĩa trang.

4. Khuyến khích các tổ chức xã hội, các Tôn giáo, các họ tộc và nhân dân đóng góp xây dựng và trồng cây làm cho nghĩa trang ngày càng sạch đẹp.

Điều 11. Quy định về việc Lễ hội và các hoạt động Tôn giáo

1. Theo quy định của nhà nước, tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tĩn ngưỡng.

2. Đấu tranh chống mọi biểu hiện lợi dụng hoạt động Tôn giáo nhằm hành nghề mê tín dị đoan hoặc các hoạt động gây chia rẽ mất đoàn kết giữa các Tôn giáo và khối Đại đoàn kết toàn dân.

Mục 3. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG LỄ HỘI

Điều 12. Tổ chức lễ hội

1. Tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoặc tham gia lễ hội phải thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 04, cụ thể như sau:

a) Nghi thức lễ hội phải được tiến hành trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc;

b) Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội;

c) Thực hiện đúng nội quy, quy định của Ban tổ chức lễ hội;

d) Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội;

đ) Trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục;

e) Không nói tục, xúc phạm tâm linh và ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;

g) Bảo đảm trật tự, an ninh khi dự lễ hội; không đốt pháo, đốt và thả đèn trời;

h) Bỏ rác vào nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường;

i) Nghiêm cấm lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan như: Xem số, xem bói, gọi hồn, cầu cơ, sấm truyền, yểm bùa, trừ tà, phù phép chữa bệnh;

2. Khi tổ chức và tham gia lễ hội, tổ chức, cá nhân ngoài việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này còn phải thực hiện quy định tại Quy chế tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

3. Khuyến khích các hoạt động sau trong tổ chức lễ hội:

a) Tổ chức giới thiệu ý nghĩa lịch sử của lễ hội, giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam;

b) Tưởng nhớ công đức của ông cha, ghi nhận công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc;

c) Tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi mới và các hoạt động văn hóa, thể thao có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội;

d) Thắp hương theo quy định của Ban tổ chức lễ hội.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tổ chức và tham gia lễ hội

1. Trách nhiệm của tổ chức khi tổ chức lễ hội.

a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Ban tổ chức lễ hội, chỉ đạo việc tổ chức lễ hội cho phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định.

b) Trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội:

- Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch trước 30 ngày diễn ra lễ hội, điều hành tổ chức các hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật và nội dung chương trình kịch bản đã được phê duyệt;

- Có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh, đảm bảo vệ sinh, môi trường;

- Không bán vé vào dự lễ hội;

- Không để tình trạng người lang thang, ăn xin trong khu vực lễ hội;

- Tổ chức, quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ đảm bảo trật tự công cộng, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về tài chính. Cấm các hành vi thu phí, nâng giá tùy tiện; bán hàng rong, hàng giả, hàng kém chất lượng và những hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi kết thúc lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội phải báo cáo kết quả tổ chức các hoạt động lễ hội với chính quyền cấp tổ chức lễ hội và cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.

2. Trách nhiệm của cá nhân khi tham gia lễ hội:

a) Phải thực hiện đúng nội quy của di tích và quy định của Ban tổ chức lễ hội;

b) Trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; ứng xử có văn hóa, không nói tục, xúc phạm tâm linh và làm ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Việc tổ chức thực hiện

1. Các cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, các cơ sở Tôn giáo… trên địa bàn xã Kim Mỹ có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy định này.

2. Các ban, ngành, đoàn thể trong xã xây dựng kế hoạch và triển khai quán triệt đến các đoàn viên, hội viên, thành viên… tổ chức thực hiện tốt nội dung Quy định này. UBMTTQ xã có trách nhiệm phối hợp xây dựng chương trình hành động cùng với các tổ chức thành viên, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, khu dân cư, tổ chức xã hội và các tổ chức Tôn giáo thực hiện có hiệu quả nội dung Quy định này.

 3. Các xóm căn cứ Quy định này xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tới toàn thể nhân dân trong xóm, gắn việc thực hiện với việc đánh giá, duy trì, phát huy danh hiệu xóm văn hóa hàng năm.

4. Đài truyền thanh xã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức sinh động để tuyên dương những tấm gương tiêu biểu, đồng thời phê phán các biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm Quy định.

5. Công chức VH-TT xã định kỳ hàng năm theo dõi, báo cáo UBND xã kết quả thực hiện Quy định này. Tham mưu cho UBND xã tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng các xóm thực hiện tốt Quy định này.

  6. Tổ chức, cá nhân khác khi tham gia việc cưới, việc tang và lễ hội có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy định này.

Điều 15. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định này và các quy định khác liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được biểu dương, khen thưởng theo chế độ thi đua, khen thưởng hiện hành.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này và các quy định khác liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Sửa đổi, bổ sung Quy định

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ủy ban nhân dân xã Kim Mỹ để xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp./.

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 99967

Trực tuyến: 69

Hôm nay: 140