Trang Thông tin điện tử

xã Kim Mỹ - Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 08/05/2024
Chào mừng bạn đến Trang thông tin điện tử UBND xã Kim Mỹ

THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH CÚM GIA CẦM A/H5N8 VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG

Thứ năm, 15/07/2021

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH CÚM GIA CẦM

1. Tóm tắt đặc điểm chung của bệnh Cúm gia cầm:

- Bệnh Cúm gia cầm (CGC) là bệnh truyền nhiễm ở gia cầm (bao gồm cả gia cầm nuôi, chim yến và chim hoang dã) và động vật có vú (gồm một số loài gia súc, các loài động vật hoang dã và người). Bệnh CGC do vi rút cúm típ A thuộc họ Orthomyxoviridae, là loại vi rút có bộ Gen ARN, có vỏ bọc bằng lipit.

- Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh CGC trầm trọng, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%; vịt thường mang mầm bệnh, có thể có hoặc không có triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc vi rút CGC ra môi trường. Một số chủng vi rút CGC không gây bệnh hoặc ít gây bệnh lâm sàng ở gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh và gây tử vong ở người (ví dụ chủng vi rút CGC A/H7N9…).

2. Sức đề kháng của vi rút CGC:

Vi rút CGC thường sống lâu hơn trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Vi rút có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh. Vi rút dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 7000C trong 5 phút. Trong tủ lạnh và tủ đá, vi rút có thể sống được vài tháng. Chất sát trùng thông thường như xút 2%, phooc môn 3%, crezin 5%, chloramin B 3%, iodin 1%, halamid 20%, cồn 700-900, vôi bột hoặc nước vôi 10%, nước xà phòng đặc…

3. Nguồn bệnh và đường truyền lây:

- Loài mắc: Động vật mắc bệnh CGC là các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt vi rút có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người.

- Nguồn bệnh: Vi rút có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, trong phân, dịch tiết như nước mũi, nước bọt, dịch tiết của con vật mắc bệnh. Các loài chim di trú, thủy cầm hoang dã có thể mang vi rút CGC và là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu cho gia cầm nuôi. Trong chăn nuôi, thủy cầm (vịt, ngan/vịt xiêm) mang trùng vi rút cúm được xem là nguồn lây nhiễm bệnh cho gia cầm nuôi nhốt.

- Đường truyền lây: Trong cơ thể gia cầm mắc bệnh, vi rút CGC nhân lên trong đường hô hấp và đường tiêu hóa, sau đó được bài thải qua phân, nước mũi, nước bọt, dịch tiết. Thời kỳ lây truyền thường trong vòng từ 3 đến 5 ngày, có khi kéo dài đến 7 ngày kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức và trực tiếp và gián tiếp.

4. Triệu chứng, bệnh tích:

- Gia cầm mắc bệnh CGC thể độc lực cao (bao gồm chủ CGC a/H5N8) có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01-03 ngày, có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột, có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày; gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, năng suất trứng giảm rõ rệt ở những con gia cầm đang đẻ, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

5. Phòng bệnh CGC:

Một số biện pháp quan trọng phòng, chống bệnh CGC: Chủ động theo dõi, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp gia cầm mắc bệnh, mang mầm bệnh, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh; chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng nuôi, khu vực xung quanh, chợ, điểm buôn bán gia cầm sống, cơ sở giết mổ gia cầm; tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn gia cầm được tiêm vắc xin.

II. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CGC A/H5N8TẠI VIỆT NAM:

Trong tháng 6/2021, Việt Nam lần đầu tiên phát hiện được chủng vi rút CGC A/H5N8 trên gia cầm, cụ thể như sau:

- Tại tỉnh Hòa Bình: Ổ dịch CGC A/H5N8 xảy ra trên đàn gia cầm 5.000 con của một hộ chăn nuôi tại xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy.

- Tại tỉnh Cao Bằng: Ổ dịch CGC A/H5N8 xảy ra trên đàn gia cầm 175 con của một hộ chăn nuôi tại phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng.

Ngày 16/6/2021, phát hiện 01 mẫu giám sát CGC chủ động tại chợ Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng dương tính với vi rút CGC A/H5N8; Tiếp đó, thực hiện hướng dẫn điều tra và xử lý ổ dịch của Cục Thú y (tại Công văn số 1000/TY-DT ngày 16/6/2021), từ ngày 22-25/6/2021 cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tỉnh của Cao Bằng đã tiến hành tăng cường lấy mẫu giám sát CGC tại các chợ buôn bán gia cầm sống (chợ thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An; chợ thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh; chợ Cao Bình, chợ Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng; và chợ thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa). Kết quả, ngày 01/7/2021 của Chi cục Thú y vùng II đã xét nghiệm, phát hiện 08/40 mẫu swab gộp (05 mẫu đơn gộp thành 1 mẫu gộp; tương đương 40 mẫu cá thể gia cầm) tại 05 chợ nêu trên dương tính với vi rút CGC A.H5N8.

- Tại tỉnh Quảng Ninh: Ổ dịch CGC A/H5N8 xảy ra trên đàn gia cầm 2.000 con của một hộ chăn nuôi tại xã Vũ Oai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và xét nghiệm cho kết quả dương tính với CGC A/H5N8.

Bài liên quan
Văn bản mới
Xem thêm
Video
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 78362

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 109